Ðổi thay trên quê hương Quảng Thọ
Vùng đất anh hùng Quảng Thọ, huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên - Huế) hiền hòa bên dòng sông Bồ xanh trong. Nơi đó, có làng Niêm Phò, quê hương của Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh và làng Tân Xuân Lai, nơi đi về của nhà thơ Tố Hữu. Con đường làng uốn quanh theo dòng sông Bồ nay đã được nâng cấp, mở rộng. Người nông dân đã biết cách làm ăn, gìn giữ những nét đẹp truyền thống để tôn thêm vẻ đẹp của ngôi làng ven đô trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quảng Thọ là vùng đất cách mạng, được công nhận là xã Anh hùng LLVTND năm 1995. Toàn xã có hơn 1.700 hộ thì đã có chừng 1/5 là gia đình chính sách, có công với cách mạng; có 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hơn 280 liệt sĩ. Nơi đây có phủ Phước Yên, một trong những dinh phủ lâu đời nhất của xứ Ðàng Trong. Tại làng Phước Yên, Bia tưởng niệm các chiến sĩ K8 đã hy sinh trong trận đánh năm 1968 ở làng đã được dựng lên. Chính tại đây, từ ngày 28-4 đến 1-5-1968 đã diễn ra trận đánh vô cùng ác liệt, các chiến sĩ K8 cùng lực lượng du kích địa phương kiên cường chiến đấu và nhiều người trong số họ đã hy sinh anh dũng trên cánh đồng Phước Yên.
Nối tiếp truyền thống ấy, ngày nay Quảng Thọ là địa phương đi đầu của huyện Quảng Ðiền trong công tác 'dồn điền, đổi thửa', phá thế độc canh cây lúa, mạnh dạn cải tạo vườn tạp để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn. Và Quảng Thọ là vùng đất nổi tiếng trồng hiệu quả các loại cây rau má, chột nưa, hoa lay-ơn, rau bầu trái vụ và nuôi cá lồng trên sông Bồ. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Minh cho thấy, trong nhiệm kỳ qua, công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất của xã bước đầu đã đem lại giá trị thu nhập từ 35 lên 58 triệu đồng/ha đất canh tác trong giai đoạn 2006 - 2010.
Ở Quảng Thọ, mỗi thôn đều có một thế mạnh riêng, chẳng hạn muốn xem rau má, cá lồng thì về thôn Phước Yên, làng hoa thì về thôn La Vân Hạ, rau má, mướp đắng thì về La Vân Thượng, muốn ăn chột nưa thì về thôn Tân Xuân Lai.
Nhắc đến các sản phẩm OCOP của huyện Quảng Điền được xuất ngoại phải kể đến “Trà rau má Quảng Thọ” và sản phẩm “Bột Matcha rau má” của HTX NN Quảng Thọ 2, xã Quảng Thọ.
Cả 2 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh từ năm 2020. Hiện, sản phẩm các loại trà của HTX đạt sản lượng tiêu thụ khoảng 15 nghìn hộp/năm. Cùng với tiêu thụ trong nước, HTX đang xúc tiến để đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Lương Trí - Giám đốc HTX NN Quảng Thọ 2, từ loại rau có giá trị thấp, nhưng từ khi chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP và trở thành sản phẩm OCOP, đến nay, rau má ở Quảng Thọ đã trở thành nguồn nguyên liệu cho một thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc biệt ở Quảng Điền.
Cách TP. Huế chưa đầy 20km về phía bắc, làng Bao La (Quảng Phú – Quảng Điền) là làng nghề truyền thống mây tre đan có lịch sử hình thành phát triển trên 600 năm. Từ những sản phẩm chỉ để làm vật dụng phục vụ cuộc sống và sinh hoạt của người dân địa phương, thì nay, những sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá,... của HTX đã trở thành những mặt hàng có giá trị tại nhiều thị trường trong, ngoài nước.
Theo ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX mây tre đan Bao La, từ năm 2020, bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của HTX mây tre đan Bao La (Quảng Điền) được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh. Những năm gần đây, trung bình mỗi tháng HTX xuất khẩu 2 đơn hàng, giá trị 80 - 100 triệu đồng/đơn hàng. Ngoài ra, còn xuất sang Thái Lan, Mỹ, các nước châu Âu.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên Thuế, thành công của làng nghề mây tre đan Bao La đến từ sự kết hợp của hai yếu tố, đó là sự thích ứng với xu thế phát triển của thời đại nhưng vẫn coi trọng những giá trị truyền thống.
Đến thời điểm này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận 2 sản phẩm OCOP huyện Quảng Điền đạt chuẩn 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao và đang lập hồ sơ đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao; đồng thời, tiếp tục xây dựng thêm một số sản phẩm OCOP khác.