Là xã ở vùng đồng bằng Quảng Thọ nằm gọn vào giữa hai nhánh sông bồ, phù sa hằng năm tạo thêm màu mỡ cho đất ruộng, hằng năm được thiên nhiên ưu đãi một lượng phù sa rất lớn làm cho đất đai khá màu mỡ, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm và cây hoa, nỗi tiếng với cây rau má, các sản phẩm từ rau má và cá lồng.
Người dân xã Quảng Thọ có tinh thần cần cù, chịu khó học hỏi, tìm tòi nhạy bén với những cái mới để áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh thuận tiện cho việc lưu thông đi lại, trao đổi hàng hoá với Trung tâm huyện, trung tâm thành phố Huế và các vùng phụ cận đồng thời hệ thống chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Quảng Thọ là xã đồng bằng nằm về phía Nam của huyện Quảng Điền. Với Diện tích: 9,49 km2; Dân số: 6.850 người (theo niên giám thống kê năm 2017). Phía Đông giáp xã Quảng An và xã Quảng Thành; Phía Tây giáp xã Quảng Phú và thị xã Hương Trà; Phía Nam giáp thị xã Hương Trà; Phía Bắc giáp thị trấn Sịa, xã Quảng Phú, xã Quảng Vinh, xã Quảng Phước và xã Quảng An. Xưa kia vùng này là tổng Phước Yên: Phước yên, Niêm Phò, Phò Nam, La Vân Thượng, La Vân Hạ, Tân Thành, Phù Lai, Lương Cổ, Xuân Tùy ấp, Nho Lâm, Đồng Lâm Hạ, Lai Trung, Nghĩa Lộ và xóm Chuối. Sau cách mạng tháng 8/1945 thành công vùng Quảng Thọ ngày nay được cắt ra và thành lập hai xã Quảng Đức và Quảng Phước. Năm 1949 sau khi tổ chức lại hệ thống hành chính để thuận lợi cho việc chỉ đạo kháng chiến hai xã được nhập lại thành xã Quảng Ninh. Năm 1955 chính quyền ngụy Sài Gòn cắt thôn Nho Lâm sang xã Quảng Vinh đổi tên xã Quảng Ninh thành Quảng Thọ.